Hotline: 0919 888 988

Đề án Phát triển du lịch huyện Quảng Xương đến năm 2030

Đăng lúc: 15:05:15 27/12/2023 (GMT+7)
100%
Print

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quyết định số 333/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Phát triển du lịch huyện Quảng Xương đến năm 2030.

 Nội dung Quyết đinh nêu rõ mục tiêu chung của Đề án là nhằm phát triển hệ thống các sản phẩm và hoạt động du lịch đồng bộ, chất lượng cao, với các loại hình đa dạng từ du lịch biển, du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm, du lịch ẩm thực và du lịch nghỉ dưỡng; trong đó, du lịch biển và nghỉ dưỡng khoáng nóng là trọng tâm, tạo điểm nhấn và yếu tố khác biệt nhằm khắc phục tính thời vụ, thu hút nhiều thị trường khách, thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển.  Phát triển du lịch Quảng Xương trở thành điểm nhấn du lịch mới, độc đáo và hấp dẫn của tỉnh cũng như của khu vực miền Bắc.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Các không gian phát triển trọng điểm gồm: Không gian du lịch các xã phía Bắc vùng ven biển (Quảng Hải, Quảng Lưu, Quảng Thái, Tiên Trang): Nghỉ dưỡng biển dành cho mọi người, kết hợp du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái và hoạt động thể thao biển.  Không gian du lịch các xã phía Nam vùng ven biển (Quảng Nham, Quảng Thạch): Nghỉ dưỡng sông, biển cao cấp và sân golf, kết hợp du lịch sinh thái, du lịch thể thao biển cao cấp, du lịch văn hóa, tâm linh. Không gian du lịch các xã phía Tây Bắc và trung tâm huyện (Quảng Yên, Quảng Trạch, thị trấn Tân Phong): Nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp, kết hợp du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, du lịch làng nghề, nông nghiệp.

Không gian phát triển phụ trợ 1 gồm các xã Quảng Phúc, Quảng Khê: Phát triển du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn. Khu vực phụ trợ 2 gồm các xã Quảng Trung, Quảng Chính: Phát triển du lịch trải nghiệm nông nghiệp, du lịch tìm hiểu lịch sử. Khu vực phụ trợ 3 gồm các xã Quảng Hợp, Quảng Hòa, Quảng Long: Phát triển du lịch tham quan, tìm hiểu lịch sử, văn hóa, tâm linh, du lịch sinh thái nông nghiệp.

Về định hướng phát triển sản phẩm du lịch, sẽ chia thành 2 giai đoạn. 

Giai đoạn 2021-2025 sẽ chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, tham quan (khu vực sông, biển) gắn với sinh thái, du lịch cộng đồng (tại các xã: Quảng Thái, Quảng Lưu, Tiên Trang). Phát triển sản phẩm du lịch làng nghề kết hợp du lịch cộng đồng: Đan, dệt cói (xã Quảng Trung), mây tre đan (thị trấn Tân Phong). Sản phẩm du lịch tâm linh Đền Phúc và bia Tây Sơn, chùa Đồng, chùa Mậu Xương, đền Riềng, đền Sòng…. Bước đầu phát triển các sản phẩm du lịch biển tại khu du lịch biển Tiên Trang, Quảng Nham, Quảng Hải và nghỉ dưỡng nước nóng tại khu du lịch nước khoáng nóng Quảng Yên. Ưu tiên phát triển các sản phẩm sinh thái nông nghiệp tại các xã Quảng Hòa, Quảng Hợp, Quảng Khê, thị trấn Tân Phong. Đa dạng hóa các sản phẩm phụ trợ phục vụ các đối tượng khách với đa dạng nhu cầu mang tính trải nghiệm sâu sắc như: khám phá thiên nhiên, du lịch thể thao ở khu vực ven biển, du lịch giải trí, leo núi, mua sắm...

Giai đoạn 2026-2030 sẽ tập trung phát triển mạnh du lịch biển (tại khu, điểm du lịch biển Tiên Trang, Quảng Nham, Quảng Hải, Quảng Lưu), sản phẩm du lịch golf với các sản phẩm du lịch đa dạng, đẳng cấp. Chú trọng hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng biển Quảng Nham, Khu du lịch nước khoáng nóng Quảng Yên; ưu tiên phát triển sản phẩm nghỉ dưỡng biển, du lịch nghỉ dưỡngcộng đồng, du lịch làng nghề cao cấp tại điểm du lịch cộng đồng, làng nghề xã Tiên Trang, Quảng Trung, Quảng Hải, du lịch tìm hiểu văn hóa - tâm linh tại Di tích cách mạnh Bến Phà Ghép nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường; tiếp tục đa dạng hóa các dịch vụ, sản phẩm du lịch giai đoạn trước hỗ trợ cùng phát triển du lịch bốn mùa, hạn chế tính mùa vụ, kéo dài thời gian lưu trú của du khách.

  BÌNH LUẬN (0)