Hotline: 0919 888 988

Huyện Quảng Xương đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn gắn với xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu

Đăng lúc: 00:00:00 20/06/2024 (GMT+7)
100%
Print

Huyện Quảng Xương phát triển ngành nghề nông thôn

         Ngành nghề nông thôn là một bộ phận quan trọng trong cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, giúp sử dụng triệt để lao động nông nhàn, cải thiện đời sống người dân. Do đó, những năm qua, huyện Quảng Xương đã có nhiều chính sách, giải pháp thiết thực để khôi phục và phát triển các ngành nghề nông thôn đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
1. Nghề dệt chiếu cói truyền thống đã giải quyết việc làm cho trên 1 nghìn lao động  địa phương - Copy.jpg
 Nghề dệt chiếu cói truyền thống đã giải quyết việc làm cho trên 1 nghìn lao động  địa phương
 
          Hiện nay, trên địa bàn huyện Quảng Xương có hơn 20 nghề tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động thu hút gần 10.000 lao động; có 10 xã có hoạt động nghề, truyền thống và làng nghề: chiếu cói, mây tre đan, chế biến hải sản, trồng đào... đến nay, đã có 05 làng nghề chiếu cói tại Quảng Phúc được UBND tỉnh quyết định công nhận. Xác định việc phát triển các ngành nghề nông thôn là giải pháp quan trọng giúp tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân nông thôn. Vì vậy, những năm qua, cùng với việc ban hành các đề án, kế hoạch và cơ chế chính sách khuyến khích phát triển đa dạng hóa các ngành nghề nông thôn, huyện Quảng Xương đã đạo các địa phương, ngành chuyên môn rà soát, điều chỉnh bổ sung và quy hoạch mới các cụm công nghiệp, cụm làng nghề tiểu thủ công nghiệp; đẩy mạnh huy động nguồn vốn cho đầu tư phát triển ngành nghề, làng nghề; rà soát bổ sung và thực hiện cơ chế chính sách phát triển công nghiệp ngành nghề, làng nghề, xúc tiến xây dựng một số thương hiệu sản phẩm hàng hóa của làng nghề, góp phần tạo điều kiện cho các cơ sở mở rộng quy mô sản xuất. Đặc biệt, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về giá trị của việc duy trì, mở rộng phát triển làng nghề truyền thống; khuyến khích du nhập nhân cấy nghề mới và làm tốt công tác bảo vệ môi trường; chú trọng mở các lớp tập huấn, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dạy nghề, truyền nghề, bảo đảm học viên, người lao động sau khi học nghề có thể thực hành, áp dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh; khuyến khích phát triển các sản phẩm, làng nghề trên cơ sở ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm về mẫu mã, kiểu dáng, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của thị trường, trong đó ưu tiên việc xây dựng kế hoạch phát triển một số ngành nghề gắn liền với phát triển thương hiệu sản phẩm, như: Nghề trồng cây đào phai cánh kép phục vụ Tết cổ truyền xuất hiện và phát triển tại xã Quảng Chính hàng chục năm, đến nay, toàn xã trên 35 ha diện tích trồng đào với trên 500 hộ tham gia, tập trung chủ yếu ở thôn Thanh Xuân, Chính Đa và Phú Lương, mang lại thu nhập bình quân 68 triệu đồng/người/năm; những năm gần đây có những hộ thu nhập 400-500 triệu/năm. Tết nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, giá trị từ nghề trồng toàn xã ước đạt 23 tỷ đồng
2. Toàn huyện có 550 ha diện tích đất trồng cói, Sản lượng cói toàn huyện đạt gần 7.000 tấn năm.JPG
Toàn huyện có 550 ha diện tích đất trồng cói, Sản lượng cói toàn huyện đạt gần 7.000 tấn năm

           Nghề trồng cói và sản xuất các sản phẩm từ cói tại một số xã vùng đồng, như: Quảng Phúc, Quảng Trường, Quảng Văn, Quảng Khê, Quảng Long, Quảng Ngọc, Quảng Hợp; với  550 ha diện tích đất trồng cói, Sản lượng cói toàn huyện đạt gần 7.000 tấn/ năm. Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ nghề trồng và chế biến sản phẩm từ cói, những năm qua huyện Quảng Xương đã có nhiều cơ chế khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho những hộ có tâm huyết với nghề được vay vốn để đầu tư mua máy dệt chiếu, mở rộng sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động nông thôn. Đến nay, toàn huyện có khoảng 450 máy dệt chiếu và gần 1.000 hộ làm nghề dệt chiếu; sản lượng sản xuất hàng năm đạt khoảng 3 triệu đôi chiếu các loại. Nghề dệt chiếu cói Quảng Xương không chỉ mang lại lợi nhuận cao cho các hộ chủ máy mà còn giải quyết việc làm tại chỗ cho gần 5 nghìn lao động địa phương với mức thu nhập từ  3 đến 7 triệu đồng/ người/ tháng.

          Cùng với các ngành nghề truyền thống khác, người dân vùng biển xã Quảng Nham đã và đang giữ gìn nghề truyền thống mà ông cha để lại, nỗ lực nâng tầm để sản phẩm từ biển và nghề nước mắm Quảng Nham vương xa ra thị trường trong và ngoài nước, được người tiêu dùng lựa chọn. Hiện nay,  toàn xã có 282 phương tiện tàu thuyền, tổng sản lượng khai thác ước đạt hàng năm hơn 10.000 tấn; toàn xã có 14 tổ hợp chế biến hải sản ước tính chế biến hơn 12.000 tấn, trong đó dịch vụ đông lạnh chế biến hơn 8.000 tấn; cá khô, moi khô, cá nước đạt 3.400 tấn, chế biến nước mắm đạt 400 tấn. Quảng Nham đã có 5 sản phẩm được công nhận OCOP và có HTX nước mắm Cự Nham. Hàng năm, các cơ sở sản xuất nước mắm, như: Cự Nham, Gái Đức, Tình Hải, Anh Nuôi... cung cấp ra thị trường hàng trăm nghìn lít nước mắm, sản phẩm từ mắm các loại, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Trong đó, nước mắm Cự Nham hiện nay đã được Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam công nhận Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý; được Bộ Công thương chứng nhận, trao tặng huy chương vàng nhãn hiệu thực phẩm chất lượng vì sức khỏe cộng đồng.

4. Đến nay, xã Quảng Chính đã phát triển được trên 35 ha diện tích trồng đào.jpg

Đến nay, xã Quảng Chính đã phát triển được trên 35 ha diện tích trồng đào

           Tuy nhiên, việc phát triển làng nghề trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn do các làng nghề hoạt động manh mún, một số làng có nghề truyền thồng gần như đã mai một do không còn phù hợp với sự phát triển bền vững như: nghề tái chế cao su tại Quảng Trạch, nghề nấu rượu gạo tại Quảng Giao...; một số làng có nghề truyền thống lâu đời nhưng không còn thu hút được nhiều lao động tham gia như trước đây: nghề mây tre đan tại Quảng Phong cũ, nay là Thị trấn Tân Phong, nghề đúc đồng tại xã Quảng Ninh,...Do vậy, với mục tiêu thực hiện khôi phục một số làng nghề, giải quyết nhiều việc làm cho lao động nông thôn gắn với chương trình đào tạo nghề, như: nghề mây tre đan truyền thống ở xã Quảng Phong cũ (nay là thị trấn Tân Phong); nghề đan cói thủ công mỹ nghệ..và phấn đấu Đến năm 2025, nâng số làng nghề được UBND tỉnh công nhận lên 12 làng nghề, thuộc các xã: Quảng Phúc, Quảng Chính, Quảng Nham.Nâng cao thu nhập bình quân của lao động làng nghề đạt 7-8 triệu đồng/người/tháng;100% sản phẩm làng nghề được xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, mở rộng thị trường; có ít nhất 5 sản phẩm Ocop là sản phẩm làng nghề; nâng diện tích trồng đào Quảng Chính lên 40ha, sản phẩm đào Quảng Chính có mặt tại nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh; mô hình làng có nghề phát triển giải quyết việc làm cho lao động yếu thế, lao động dôi dư tại nông thôn; thu nhập bình quân lao động yếu thế, lao động dôi dư từ nghề đạt 4-5 triệu đồng/người/tháng..., thời gian tới huyện Quảng Xương tiếp tục khuyến khích, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, thành phần kinh tế tham gia đầu tư và phát triển nông nghiệp, nông thôn; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề, đa dạng hóa các phương thức đào tạo, dạy nghề theo định hướng phát triển của huyện và nhu cầu phát triển của thị trường lao động. Đồng thời, triển khai tốt các chính sách ưu đãi về vốn, tín dụng cho các cơ sở ngành nghề nông thôn, khuyến khích các cơ sở đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường; hỗ trợ làng nghề, làng có nghề để xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý, đăng ký thương hiệu, quảng bá xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch; tham gia các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm của tỉnh, đẩy mạnh xúc tiến thương mại các sản phẩm ngành nghề nông thôn, làng nghề theo Chương trình xúc tiến thương mại Quốc gia, Chương trình xúc tiến thương mại - du lịch của các địa phương và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Bên cạnh đó, hướng dẫn các làng nghề tuân thủ tốt vấn đề bảo vệ môi trường, bảo đảm các điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

Nguyễn Liên

 

  BÌNH LUẬN (0)